Chuyện nghiên cứu khoa học và phần còn lại là lịch sử trong tôi phần 2
Chuyện học,  Nhật kí coding

Chuyện nghiên cứu khoa học và phần còn lại là lịch sử trong tôi-Phần 2

Phần 2: Những kinh nghiệm và lời khuyên chân thành rút ra từ nghiên cứu của Mimi

| Bài viết “Chuyện nghiên cứu khoa học và phần còn lại là lịch sử trong tôi” được chia thành 3 phần:

👉🏻Đây là phần 2 của series này – Những kinh nghiệm và lời khuyên chân thành rút ra từ nghiên cứu của Mimi.

Ở phần 1, Mimi đã kể toàn bộ câu chuyện về nghiên cứu khoa học sinh viên của mình, trải qua hành trình ý nghĩa nhưng cũng đầy biến cố ấy đã để lại cho tôi không chỉ là sự biết ơn mà còn có nhiều bài học quý giá. Và đó là lí do mà ở bài viết này, mình sẽ tổng hợp lại một số kinh nghiệm hữu ích để các bạn là sinh viên, đặc biệt là sinh viên trường đại học Tây Nguyên đang có ý định làm nghiên cứu khoa học tại trường có thể tham khảo:

Kiên định, trách nhiệm với nghiên cứu khoa học

Điều đầu tiên mà Mimi muốn chia sẻ chính là tính kiên định, trách nhiệm của bản thân. Các bạn sinh viên à, quả thực thời gian làm nghiên cứu khoa học mình đã vấp phải nhiều khó khăn cũng bởi sự không kiên định và trách nhiệm khi đã quyết định đăng ký làm đề tài khoa. Theo đó, đề tài đã bị mình bỏ bê và làm một cách tùy hứng, thời gian đầu làm hời hợt, xong đến cuối thì cắm đầu vào làm như con thiêu thân trong thời gian gấp rút. Hậu quả là mình bị mất cân bằng cuộc sống, đến giờ tối còn bị mất ngủ trong khi ban ngày thì mệt mỏi rũ rượi. Do đó, Mimi hi vọng các bạn sinh viên đừng như mình, khi đã quyết định đăng ký chọn một đề tài nào đó, hãy cố gắng lên kế hoạch thật chỉnh chu, rõ ràng. Biết rằng cuộc sống xung quanh có thể không phải lúc nào cũng hoàn hảo, sóng gió sẽ có lúc bất ngờ ập đến nhưng tin mình đi, nếu bạn đã có kế hoạch rõ ràng thì sau khi bạn giải quyết những chuyện không may xong bạn sẽ dễ dàng quay trở lại nhịp làm việc và học tập hơn. Chúng ta thường than  đời sinh viên rất ngắn, vì vậy khi bạn nỗ lực hết mình cho đề tài bạn đã chọn ở hiện tại, nó sẽ mãi trở thành điểm sáng chói trong quãng đời sinh viên tuyệt khi tương lai bạn nhớ lại đấy.

Đừng ngại, hãy can đảm, dày mặt lên

Vâng, điều thứ hai mà mình muốn đề cập đến ở đây chính là nỗi sợ hãi, ngại ngùng khi làm nghiên cứu. Mình không nói đánh đồng hết tất cả bạn các sinh viên, bởi mình biết nhiều bạn đã dám làm nghiên cứu khoa học là đã có sự tự tin, bản lĩnh nhất định nhưng như mình nhận thấy vẫn còn nhiều bạn sinh viên đặc biệt là nhiều bạn sinh viên trường đại học Tây Nguyên vẫn còn rụt rè, thiếu tự tin trong các công việc liên quan đến nghiên cứu khoa học. Đơn cử là mình – một đứa nhút nhát, ngại này ngại kia, nhớ hồi năm nhất bạn bè rủ mình đi đâu cũng không dám đi, chỉ thui thủi ở trọ. Vậy mà, đăng ký nghiên cứu khoa học đã khiến mình mạnh dạn hơn rất nhiều.

Tự tin nghiên cứu khoa học
Nguồn ảnh: Pinterest.com

Lúc trước, mình rất ngại thầy cô, có gì đó lo sợ khi hỏi các thầy cô giảng viên trong trường. Nhưng sau đó, cái mặt của mình đã dày thêm cả thớ bởi động cái gì cũng không biết thì hỏi, cái gì tò mò cũng hỏi, hỏi xong mà vẫn không hiểu làm liều, bị sai thì lại đi hỏi. Nói cho vui thôi nhưng nó đã khiến một đứa ngày xưa đứng trước đám đông, người lạ có phải cạy mỏ mãi cũng không chịu hé môi nửa lời mà giờ đây đôi khi mình tự bắt chuyện nói rồi hỏi người ta như “đúng” rồi. Nó chính là sự chai dạn và can đảm hơn nhờ mình hay phải đi xin giấy tờ và hỏi thầy cô về việc nghiên cứu khoa học.  Theo đó, các bạn sinh viên đừng lo sợ gì cả, hãy can đảm đăng ký tham gia các hoạt động của trường và có cái gì không biết thì hỏi rồi sẽ bỗng một lúc nào đó bạn thấy mình không còn những cảm giác ngần ngại như trước nữa.

Sinh viên sẽ bớt khổ hơn nếu làm nghiên cứu khoa học để ý những điều này sớm

Độc giả: “Kiên định với chả can đảm, không ngần ngại, toàn kinh nghiệm chém gió suông!”

Có thể những kinh nghiệm Mimi trình bày ở trên kia không làm các bạn siêu lòng và thấy nó quá đỗi bình thường thì sau đây, mình sẽ tổng hợp lại những điểm cần thiết mà Mimi ước nếu biết sớm và để ý đến nó thì đã không phải làm nghiên cứu khổ sở đến vậy. Lưu ý, những điều này mình tổng hợp dựa trên góc nhìn nghiên cứu khoa học sinh viên ngành Công nghệ thông tin Trường đại học Tây Nguyên năm 2023.

Thứ nhất, lộ trình nghiên cứu dành cho sinh viên thường kéo dài 12 tháng, thường thì trường có 2 đợt đăng ký:

  • Vào những tháng đầu năm (tháng 2, tháng 3) => Thời gian làm đề tài theo  thuyết minh được duyệt vào tầm tháng 6, tháng 7 đến tháng 5, tháng 6 năm sau.
  •  Vào tháng cuối năm (tháng 10, tháng 11) => Thời gian làm đề tài  theo thuyết mình được duyệt vào tầm tháng 12 năm cũ hoặc tháng 1 năm mới đến cuối năm (tháng 12).

Dù bạn chọn thời điểm nào để đăng ký đều được cả nhưng mình liệt kê ở đây để bạn có cái nhìn tổng quan để lựa chọn được cột mốc đăng ký và giai đoạn thời gian phù hợp với lịch học của bản thân hơn. Ví dụ, bạn chọn giai đoạn từ tháng 7 – tháng 6 năm sau thì mình sẽ có một đoạn thời gian nghỉ Tết để tranh thủ nghiên cứu. Hay chọn giai đoạn từ tháng 1 – tháng 12 thì bạn có thời gian nghỉ hè.

Thứ hai, một hành trình nghiên cứu khoa học thường bao gồm các công việc chính như:

  • Làm giấy tờ đăng ký, bao gồm: một bản đăng ký nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên và một bản tóm tắt thuyết minh.
  • Làm thuyết minh đề tài, bao gồm: Bản thuyết minh và giấy tờ tổng quan chi phí được duyệt. Ở thời điểm mình làm cần viết một cuốn thuyết minh, sau đó tổ chức hội nghị duyệt thuyết minh và chỉnh sửa lại cuốn thuyết minh đó. Cuối cùng là xin chữ ký các thầy cô có liên quan và in thành 3 cuốn để đưa phòng KH&QHQT. (Phòng KH&QHQT sẽ công chứng rồi đưa lại bạn 3 cuốn để phục vụ cho những công việc về sau).
  • Viết đề cương cho đề tài. (Nếu thuyết minh có đề cập)
  • Tiến hành nghiên cứu: Nếu là làm sản phẩm thì hãy cố gắng dành thời gian làm nhanh nhất có thể để có thời gian để sửa chữa và cho những việc khác. Đừng như mình, nước đến chân mới nhảy thành ra sản phẩm không được ưng ý.
  • Báo cáo tiến độ, bao gồm: Bản báo cáo tiến độ và xác nhận đề tài đủ điều kiện tiếp tục thực hiện.(Nếu nhà trường yêu cầu)
  • Viết báo cáo nghiệm thu.
  • Tổ chức hội thảo sinh hoạt học thuật: thường thì nếu thuyết minh đề tài có đề cập việc tổ chức hội thảo thì chủ nhiệm đề tài phải đi làm giấy xin tổ chức hội thảo (cấp bộ môn), làm giấy kinh phí hội thảo rồi mượn phòng để tổ chức một buổi thuyết trình và thảo luận về đề tài đã đăng ký nghiên cứu. Sau đó, hoàn thiện một biên bản hội thảo sinh hoạt học thuật.
  • Tổ chức nghiệm thu: Đây là hội nghị nhằm đánh giá mức độ hoàn thiện của những gì làm được so với thuyết minh đề tài đã đề ra. Để tổ chức hội nghị thì phải làm giấy xin tổ chức với hội đồng gồm 7 người tự đề xuất trong bộ môn(1 chủ tịch hội đồng, 1 phó chủ tịch hội đồng, 2 ủy viên phản biện-nhận xét phản biện, 3 ủy viên hội đồng, trong đó 1 người ở phòng KH&QHQT). Chủ nhiệm đề tài phải gửi bản báo cáo nghiệm thu trước 3 ngày hội đồng chính thức họp. Ngoài ra, còn làm giấy kinh phí hội đồng và in 7 cuốn báo cáo khoa học (nghiệm thu) tương ứng với 7 bản photo thuyết minh kẹp ở sau.
  • Làm giấy tờ giao nhận sản phẩm: tùy vào từng đề tài mà sản phẩm đề trong thuyết minh gồm có những gì, kích thước, số lượng ra sao sẽ phải được liệt kê trong biên bản giao nhận sản phẩm và tổng nộp các sản phẩm về văn phòng KH&QHQT. Kinh nghiệm của việc nộp sản phẩm online của mình là nộp sản phẩm là link Google drive sẽ cần phân theo thứ tự sản phẩm và upload cả file .doc, .pdf để không bị vỡ tài liệu. Bên cạnh đó, lúc gửi link cho thầy cô nhận sản phẩm nhớ mở quyền xem😉. Nếu sản phẩm bạn nộp là đĩa CD thì nhớ bảo họ làm thêm giấy ghi thông tin đề tài của bạn dán lên CD nhé.
Nghiên cứu khoa học CD
CD nghiên cứu khoa học.
  • Làm giấy tờ thanh toán: sau tất cả, đây là bước cuối cùng, như một phần quà cho sinh viên sau chuỗi ngày nghiên cứu, bước thanh toán thì cần có giấy xác nhận giao nhận sản phẩm xong của văn phòng KH&QHQT cùng với các giấy tờ khác liên quan như đề nghị thanh toán, bản thanh toán tiền công lao động trực tiếp,…

👉🏻Ngoài ra, bạn cần thực hiện điền các thông tin đăng ký nghiên cứu khoa học, thuyết minh và báo cáo nghiệm thu lên trên app đăng ký tín chỉ của trường đúng thời gian, bắt đầu từ thời gian lúc đăng ký. Đừng như mình, do không biết điền thông tin sớm nên đến lúc kết thúc đề tài mình không nhập lên app được vì quá hạn. Bên cạnh đó, ngoài việc tiến hành thực hiện đề tài cho ra sản phẩm và viết báo cáo khoa học nghiệm thu mà sinh viên phải tự mình thực hiện là chủ yếu ra thì tất cả các phần khác, chúng ta đều có thể hỏi các thầy cô giảng viên ở bộ môn, văn phòng khoa, văn phòng KH&QHQT, văn phòng Tài chính và cả phòng lãnh đạo trường 🤣Hỏi ai cũng được miễn là giúp các bạn tạo ra được một lộ trình phù hợp với

Thứ ba, vấn đề giấy tờ là vấn đề rất “nhức đầu”, trước hết là đối với mình – một đứa cẩu thả không quen văn phong khoa học và toàn viết theo cảm xúc. Mình từng chạy lên chạy xuống rất nhiều lần ở nhà điều hành trường mới có thể làm xong giấy tờ. Do đó, mình recommend các bạn nên đến tìm gặp cô Nguyệt, hiện cô đang phụ trách mảng nghiên cứu khoa học của sinh viên. Cô rất nhiệt tình và dễ thương. Cô Nguyệt sẵn sàng chỉ bạn tường tận cách viết thuyết minh đề tài và các giấy tờ liên quan. Mình nhớ có lúc, mình hỏi mấy câu ngốc nghếch, vô tri do không mô tả được cái mình hỏi thì cô vẫn hiểu và giải đáp được. Và một cô nữa bên phòng Tài chính là cô Thoa, cô phụ trách mảng thanh toán nghiên cứu khoa học cho sinh viên, cô thì nghiêm khắc trong các vấn đề giấy tờ hơn nên bạn cần chuẩn bị kĩ được giấy tờ trước khi lên hỏi cô thì càng tốt.

Thứ tư, là về vấn đề tải tài liệu, dù nói là cái gì không biết thì hỏi nhưng trước khi đi hỏi thì bạn cũng cần tìm hiểu vấn đề đó. Theo đó, để lấy các giấy tờ liên quan đến nghiên cứu khoa học, các bạn hãy ghé lên trang web trường để tìm kiếm các mẫu văn bản nghiên cứu dành cho sinh viên. Lưu ý, là các bạn cần tải về đúng các văn bản mẫu phục vụ năm nghiên cứu của các bạn nhé. Lúc trước, do lười tìm kiếm và không chịu lên web tải các văn bản về mà đi hỏi các thầy cô. Hậu quả là các văn bản nghiên cứu của các thầy cô thuộc mẫu của những năm trước khác với yêu cầu trình bày văn bản nghiên cứu năm của mình, do vậy mà mình đã bị lỗi sai văn bản và chạy đi chạy lại để sửa rất nhiều. Một số đường dẫn mẫu cho các bạn tham khảo là:

Cuối cùng, mình muốn đề cập đến  chuyện in ấn tài liệu. Lúc trước, mình không nghĩ vấn đề này quan trọng và cứ cần là in ấn vô tội vạ. Cho đến khi mình bị rối tung lên bởi đống tài liệu thì mình mới nhận ra việc phân loại và tính toán kinh phí trước khi in một cách cẩn thận để đỡ tốn kém như mình đã từng. Ngoài ra, khi in ấn các bạn nhớ làm thêm giấy kinh phí in ấn đúng theo quy định của nhà nước để sau này nộp làm bằng chứng thanh toán kinh phí. Mình đã mất tiền in ấn mà không nhận lại được kinh phí do giấy tờ biên lai không đúng quy 🥲.

Vậy là bài viết phần 2 – Những kinh nghiệm và lời khuyên chân thành rút ra từ nghiên cứu của Mimi đến đây là kết thúc, hi vọng nó có thể là một tài liệu tham khảo thú vị để cho các bạn sinh viên tham gia nghiên cứu có thể khai thác. Nếu có thắc mắc về vấn đề gì trong lúc làm nghiên cứu khoa học thì bạn hãy comment xuống dưới để mình trả lời nhé. Chúc các bạn sinh viên đăng ký và thực hiện đề tài khoa học của mình thành công.

👉🏻Các bạn cũng có thể ghé xem nốt phần 3 kết thúc series “Chuyện nghiên cứu khoa học và phần còn lại là lịch sử trong tôi” nhé.

 

Don’t get older. I level up.

One Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *