Chuyện nghiên cứu khoa học và phần còn lại là lịch sử trong tôi phần 1
Bài viết hay,  Chuyện học,  Nhật kí coding

Chuyện nghiên cứu khoa học và phần còn lại là lịch sử trong tôi-Phần 1

Phần 1: Những lời nói gửi gắm và câu chuyện tham gia nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Tây Nguyên

| Bài viết “Chuyện nghiên cứu khoa học và phần còn lại là lịch sử trong tôi” được chia thành 3 phần:

👉🏻Đây là phần 1 của series này – Những lời nói mình muốn gửi gắm và câu chuyện nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Tây Nguyên. Vì sợ câu chuyện phía sau mình kể sẽ giông dài như tiểu thuyết thì trước hết mình xin gửi:

Những lời muốn nói

Kính gửi các thầy cô giảng viên trường Đại học Tây Nguyên, anh chị tiền bối, bạn bè lớp CNTT K21 và gia đình thân yêu, Hôm nay, khi nhìn lại hành trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên cấp cơ sở 2023 đã qua, tôi rất biết ơn và xúc động trước sự đồng hành và hỗ trợ từ tất cả mọi người.

Đầu tiên, em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các thầy cô giảng viên và cán bộ tại trường Đại học Tây Nguyên. Xin cảm ơn cô Đài Trang đã hướng dẫn đề tài của em, cảm ơn cô Như – Trưởng ngành CNTT đã đóng góp ý kiến và hướng dẫn thực hiện đề tài, cảm ơn thầy Xuân Thắng đã giúp em hoàn thiện thuyết minh đề tài. Cảm ơn thầy Đức Thắng, cô Phượng, thầy Ngọc Thảo, thầy Trương Hải và thầy Quốc Cường đã hỗ trợ và góp ý nhiệt tình để các hoạt động diễn ra thành công. Xin chân thành cảm ơn thầy Bồng – Trưởng khoa, thầy Quang, cô Thư và các cán bộ ở khoa KHTN&CN; cảm ơn thầy Sỹ, cô Thu Nguyệt, thầy Zinna từ văn phòng KH&QHQT và cô Kim Thoa từ phòng Tài chính đã hỗ trợ em hoàn thành các thủ tục giấy tờ, kết thúc đề tài đúng thời hạn🥰 Cảm ơn anh Hoàng Hòa vì đã gửi cho em những tài liệu tham khảo quý báu. Cảm ơn những người bạn đã luôn ở bên cạnh, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn trong suốt hành trình học tập. Những khoảnh khắc bên nhau, những lời động viên và sự ủng hộ từ các bạn là nguồn động lực lớn lao giúp tôi vượt qua mọi thử thách. Tôi rất may mắn khi có những người bạn tuyệt vời như các bạn.

Cuối cùng, xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến gia đình, những người đã luôn yêu thương, hỗ trợ và tạo điều kiện để con được học, được tham gia các hoạt động và làm những gì mình thích. Tình yêu thương và sự hy sinh của gia đình là nguồn sức mạnh giúp con vượt qua mọi khó khăn. Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn tất cả mọi người. Sự hỗ trợ và đồng hành của các thầy cô, bạn bè và gia đình là những tài sản vô giá mà tôi sẽ mãi khắc ghi trong lòng. Tôi không thể diễn tả hết lòng biết ơn của mình, những người đã luôn tin tưởng và động viên tôi trên con đường nghiên cứu khoa học nói riêng và học vấn nói chung. Trân trọng, Nguyễn Lan Hương.

Câu chuyện nghiên cứu khoa học

Một chút quảng cáo: Bạn đang buồn chán, bạn ngứa ngáy trong người vì không có việc gì để làm, bạn thở dài vì thời sinh viên của mình sao thật nhạt nhẽo? 👉🏻Đừng lo! Hãy nghiên cứu khoa học! Nghiên cứu khoa học giúp bạn củng cố kiến thức và kỹ năng, phát triển bản thân, tạo ra những kỷ niệm đẹp và chuẩn bị tốt cho sự nghiệp sau này. Lưu ý: Quảng cáo này chống chỉ định với những bạn đã có định hướng rõ ràng và đang tích cực tham gia nhiều hoạt động trong trường và cộng đồng.😁

Tình cờ đến với nghiên cứu khoa học sinh viên

Thời sinh viên của bạn như thế nào? Cô nàng diễn viên Ánh Dương trong  phim truyền hình “Về nhà đi con” từng nói:

“Thanh xuân như một ly trà. Ăn vài miếng bánh hết bà thanh xuân”

Đời sinh viên cũng như thanh xuân vậy, trôi qua nhanh khiến nhiều người lưu luyến mãi không muốn rời. Vì thế, tôi biết có nhiều bạn đã chọn tham gia rất nhiều hoạt động ở trường và  xã hội để có thể lưu lại những dấu vết thời thanh xuân ấy. Bên cạnh đó, rất nhiều hoạt động phong phú và đa dạng để một sinh viên có thể lựa chọn như tham gia các nhóm học tập và dự án nghiên cứu, góp phần vào việc củng cố kiến thức và kỹ năng của mình; Tham gia vào các câu lạc bộ sinh viên, tham dự các sự kiện và hội thảo để mở rộng mạng lưới quan hệ và cập nhật xu hướng mới  tham gia các hoạt động tình nguyện, hỗ trợ cộng đồng và tổ chức các chương trình bảo vệ môi trường; Tham gia các giải thể thao và văn nghệ, cùng với việc thực tập tại doanh nghiệp để tích lũy kinh nghiệm thực tiễn..vân vân…Là một sinh viên, tôi cũng muốn thế, cũng muốn có gì đó để lưu giữ, để nhìn lại. Tôi đoán là các bạn sẽ nghĩ: “Mày muốn có kỉ niệm, muốn tham gia hoạt động này nọ thì cứ đăng ký, xin tham gia này kia thôi chứ có gì đâu mà khó khăn!”. Thực tế, những bạn tính cách cởi mở, năng động hướng ngoại, giao tiếp tốt với mọi người thì tham gia hoạt động nào với các bạn cũng đều dễ dàng. Nhưng với một đứa tính khí thất thường như tôi thì chọn tham gia một hoạt động nào đó là cả trời vấn đề và nguyên nhân….

Nguồn ảnh: Pinterest.com

Các bạn biết đấy, khi vào học ở trường đại học chắc hẳn các bạn đã từng nghe qua một hoạt động vô cùng ý nghĩa trong sinh viên đó là nghiên cứu khoa học. Một sự tình cờ trong lúc lướt Facebook, tôi thấy thông báo của trường phát động nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên cấp cơ sở năm 2023. Để hưởng ứng phong trào này mình đã mạnh dạn nhắn tin hỏi cô giáo và đăng ký tham gia. Và cái lí do củ chuối nhất mà lúc đó khiến mình có động lực dám đăng kí đó là để “lấy điểm rèn luyện“. Mặt trái của vấn đề là sự thật lúc ấy tôi còn không biết nghiên cứu khoa học trong sinh viên là như thế nào. Những gì tôi biết là định nghĩa nghiên cứu khoa học  search trên Google.👉🏻 Có thể hiểu, nghiên cứu khoa học sinh viên là một hoạt động học thuật dành cho sinh viên nhằm thực hiện nghiên cứu về các vấn đề, chủ đề hoặc lĩnh vực cụ thể trong các ngành học mà họ theo đuổi. Đây là cơ hội để sinh viên áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, phát triển kỹ năng nghiên cứu, và đóng góp vào kho tàng tri thức trong lĩnh vực mình quan tâm. Với thói quen sống của một đứa ngủ hơn 6 tiếng và chơi game quá 180p mỗi ngày như mình thì chỉ đăng ký dựa trên tinh thần nhiệt tình và sự tò mò vô bờ bến. Ấy thế nó đã mở ra một hành trình ý nghĩa, đầy sóng gió – biến động và đã làm thay đổi rất nhiều trong “tôi”. Một hành trình nghiên cứu khoa học mà đến giờ khi nhớ lại những từng chi tiết từ lúc đăng ký đến lúc kết thúc được cái đề tài còn khiến tôi cảm thấy vô cùng bồi hồi và không thể tin nổi nó đã diễn ra như thế.

Hành trình cho ra đề tài “Xây dựng website bán hàng theo gói sản phẩm”

Ảnh báo cáo thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học
Ảnh báo cáo thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học

Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, sau khi liều đăng ký đề tài với nhà trường, vì tôi chưa có kinh nghiệm gì để làm khoa học, tôi cứ loay hoay mãi với đống giấy tờ thuyết minh. Nhớ lúc ấy, tôi đăng kí vào đầu học kì II của năm 2 đại học (tháng 3) nhưng phải đến kì I năm 3 mình mới hoàn thành xong được cái đống giấy tờ thuyết minh. Trong suốt thời gian ấy, tôi thật may mắn khi nhận được sự hỗ trợ và góp ý tận tình từ các thầy cô trong ngành. Tôi vẫn nhớ như in sự nhiệt tình của cô Như, trưởng bộ môn CNTT, người dù bận rộn tối ngày vẫn dành thời gian đọc và sửa hàng loạt phiên bản thuyết minh của tôi. Cũng không thể quên thầy Xuân Thắng, người đã chỉ cho tôi cách thu thập tài liệu tham khảo từ trường và hướng dẫn tôi cách viết cũng như chỉnh sửa giấy tờ chi phí. Và đặc biệt, tôi không thể không cảm ơn cô Như và cô Đài Trang, dù gặp mưa gió, vẫn cố gắng đến điểm hẹn để ký giấy tờ cho tôi. Tôi còn nhớ sự hỗ trợ quý báu từ các thầy cô trong hội đồng từ duyệt thuyết minh, hội thảo khoa học đến nghiệm thu đề tài đã cho tôi những góp ý để chỉnh sửa và hoàn thành chiếc đề tài với tên gọi “Xây dựng website bán hàng theo gói sản phẩm”. Có thể một số bạn sẽ thắc mắc: “Làm đề tài thôi mà có cần phải nói nhiều thế không?” Có lẽ với những bạn đã có kinh nghiệm và kỹ năng cao trong nghiên cứu khoa học, việc thực hiện một đề tài có vẻ đơn giản và không đáng kể. Đối với các bạn, điều quan trọng nhất có thể là kết quả của đề tài và giá trị hữu ích của sản phẩm nghiên cứu….Tuy nhiên, với tôi, người chưa có nhiều kinh nghiệm và thường gặp khó khăn trong việc xử lý giấy tờ, quá trình thực hiện đề tài lại không hề đơn giản. Dẫn chứng, trong khi nhiều người có thể hoàn thành việc làm thuyết minh chỉ trong một hoặc hai tuần, thì riêng tôi đã mất hơn hai tháng mới xin duyệt thành công đề tài của mình. Với những khởi đầu gian nan như vậy, chắc chắn tôi đã trải qua nhiều thử thách và câu chuyện thú vị mà tôi muốn chia sẻ ở đây. Giới thiệu sơ qua thì đề tài của tôi ban đầu được đặt với tên gọi là “Xây dựng hệ thống bán hàng định kỳ theo gói sản phẩm”, trải qua bao sửa đổi thì tổng kết lại nó có tên là “Xây dựng website bán hàng theo gói sản phẩm”. Mã số T2023-27SV. Thời gian duyệt làm đề tài là 12 tháng tính từ tháng 7 năm 2023 đến tháng 6 năm 2024. Thoạt nhìn thì có vẻ văn chương nhưng túm cái váy lại là tôi code web. Hướng dẫn đề tài là thạc sĩ cô Phan Thị Đài Trang. Đồng hành với mình trong đề tài là bạn Huyền Trân, mình thì cũng ít bạn, có rủ một số bạn quen khác nhưng trong nhóm có mỗi Huyền Trân là nhắn sẽ tham gia với mình.  Thế rồi, hai đứa con gái không có gì ngoài sự nhiệt tình đã tiến hành code web. Làm web thương mại điện tử nhưng web trong đề tài của tôi thì phải đáp ứng được mục tiêu là cho phép khách hàng tạo gói, sau đó chọn sản phẩm bỏ vào gói theo tùy thích rồi chọn mua bất kì một gói nào đó theo thời gian thiết lập. Mô tả là vậy nhưng để làm được như thế cũng là một trời vấn đề. Sau khi mất hơn 2 tháng đầu, tôi xong việc cho thuyết mình được duyệt và được nhà trường cho phép tiến hành đề tài. Tưởng chừng như qua được chặng đầu tiên rồi thì chỉ cần nhóm chúng tôi tập trung làm code rồi viết báo cáo là xong chuyện, nhưng để code ra được sản phẩm không hề đơn giản như vậy. Có những thời gian, tôi bị rơi vào tình trạng rối loạn. Việc phải cân bằng việc học, việc nghiên cứu với việc gia đình và với những thói quen chơi game, ngủ ngày cày đêm,… đã khiến tôi mất kiểm soát. Lúc ấy, tôi đã ưu tiên việc học và gia đình trước cũng những thói quen thay vì dành chỗ cho một nhân vật mới đó là nghiên cứu khoa học bởi nghĩ rằng thời gian nghiên cứu còn dài, cứ “chill chill” thôi.

Chuyện nghiên cứu khoa học giai đoạn 1 : tháng 7 – tháng 12

Mặt khác, cô Như giảng dạy lớp tôi môn web nâng cao đã tạo điều kiện cho nhóm tôi viết module cho đề tài khoa học, vừa phục vụ làm tiểu luận kết thúc học phần web nâng cao lẫn nghiên cứu khoa học. Cái mà nhóm tôi cần thực hiện để qua học phần web nâng cao của cô tên là “Xây dựng website quản lý đa cart trên một session”  và nó được viết hoàn toàn bằng framework Laravel. So với nhóm nghiên cứu khoa học thì nhóm làm tiểu luận web chúng tôi có thêm một người – Xuân Nhật. Nhật nhận phần thiết kế còn phần code là tôi và Trân lo liệu. Ngoài giờ học trên lớp thì chúng tôi rất ít khi đi gặp nhau, chỉ khi nào sắp báo cáo mới họp mặt đông đủ để bàn kế hoạch qua môn😅. Do vậy mà khi code thì mỗi đứa một hướng và không thống nhất được. Thế rồi, Huyền Trân là người code chính để 3 đứa cùng bơi qua web nâng cao. Trân có ý tưởng và khả năng xử lý vấn đề cô yêu cầu rất tốt. Trong nhóm thì bạn ấy luôn là đứa code nhanh và cho ra kết quả code tốt nhất. Về phần mình, nhớ dạo ấy tôi từng mạnh miệng nói : “Trân à, cậu cứ code module để nhóm bơi qua học phần web còn mình sẽ tập trung nghiên cứu để làm cái nghiên cứu khoa học nhận kinh phí🤣”.  Mạnh mồm là vậy nhưng tôi làm gì thì cũng thường chậm chạp, tôi cứ lăn tăn mãi trong việc đi tham khảo các kiến thức trên mạng và tài liệu của các anh khóa trước mà quên rằng chỉ khi bắt tay vào làm code tôi mới cho ra được sản phẩm mình cần. Cuộc đời thì luôn đầy giãy những biến cố mà ta không thể lường trước được, trong khi tôi vẫn đang “chill chill” vì có bạn học gánh và đọc tài liệu mỗi ngày thì mẹ tôi ốm phải nhập viện, lúc ấy tôi đã gác bỏ hết tất cả mọi thứ để về với mẹ. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy mẹ yếu và ốm lâu đến vậy, một người phụ nữ từng tuyên bố chưa phải nhập viện lần nào vì đau ốm thì nay lại tiều tụy đi đến thế. Sau khi mẹ hồi phục và trở về nhà, tôi quay trở lại với việc học nhưng không hiểu sao mọi thứ không như trước nữa, tôi trở nên chán nản, chểnh mảng ngay chính việc học huống gì là làm nghiên cứu khoa học. Tôi trở nên bế tắc, mất phương hướng. Tổng kết lại trong nửa giai đoạn đầu của đề tài, (tương ứng với học kì I ) thứ tôi làm là viết tiểu luận với Nhật và sửa code với Trân. Tính ra là Trân cũng viết cả rồi còn tôi chỉ cần chạy thử trên máy mình nữa thôi. Web nâng cao bơi qua được thì cũng là lúc thời gian yêu cầu báo cáo tiến độ của đề tài nghiên cứu khoa học đến. Vấn đề của nhóm tôi là Trân đã giải quyết được bài toán mua hàng combo cho các khách hàng thành công nhưng vấn đề công nghệ chỉ ở trên framework Laravel, trong khi trong thuyết minh đề tài tôi đã ghi là xây dựng backend qua Laravel, còn frontend thì sử dụng React JS. Theo đó, bài toán của nckh trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Thời gian ấy, Trân cũng chán nản không muốn làm nghiên cứu nữa. Bạn ấy bảo nếu tôi xử lý được phía React JS và kết nối được với Laravel thì làm chứ Trân nản và chán lắm rồi. Trân muốn bỏ. Muốn bỏ nghiên cứu luôn vì bạn ấy cũng bận việc gia đình. Tôi đang mất phương hướng từ sau sự việc của gia đình nên thấy Trân muốn dừng thì tôi cũng thấy chạnh lòng. Cảm giác như bị nghẹn ở đâu đó rất khó chịu. Bạn mình muốn bỏ, mình cũng nhụt chí. Có lần, tôi đã nhắn hỏi cô về việc muốn bỏ thì cô bảo cần phải làm thủ tục để hủy vì đề tài của tôi đã được duyệt. Nghĩ công sức bao tháng ngày làm ra được quyển thuyết minh ấy thì trong thâm tâm tôi không muốn phải đi làm giấy bỏ nó tí nào. Tôi nói với Trân thì bạn ấy cũng không biết làm như nào cho đúng, chỉ biết là bạn ấy đã rất chán sau đợt web nâng cao. Nhìn đôi mắt không kẻ màu mà đen như mắt gấu trúc là tôi biết bạn ấy đã thức khuya  và stress cỡ nào. Thế rồi, tôi quyết định không đả động gì đến chuyện nckh nữa, mặc nhiên cả hai đều cho nó vào lãng quên, chúng tôi ngưng không làm nữa nhưng thủ tục hủy thì tôi chưa làm. Thật tâm tôi không muốn bỏ, chỉ là ngay lúc ấy tôi chưa nghĩ ra cách giải quyết sao cho hợp lý để kịp thời gian báo cáo tiến độ. Và rồi thời gian cứ thế trôi, cái nghiên cứu khoa học của tôi cứ thế để ngâm mãi mà không đả động đến….

Chuyện nghiên cứu khoa học giai đoạn 2: tháng 1 – tháng 6

Trải qua thời gian nghỉ Tết, tôi bước vào kỳ học quân sự kéo dài khoảng 1 tháng trời(tháng 3 năm 2024). Đi vào trường quân sự không mang theo máy tính nên cả tôi và Trân để cái nghiên cứu khoa học ngày càng chìm sâu vào quên lãng. Cho đến khi chúng tôi kết thúc kì học, quay trở về với tháng ngày đi học bình thường ở trường Đại học. Vào một ngày tháng 4, tôi nhận được tin nhắn của cô trưởng bộ môn hỏi về việc nghiên cứu khoa học của nhóm tôi. Lúc ấy, tôi hoang mang, nghĩ ngợi đủ điều không biết nên trả lời cô như thế nào. Cuối cùng, tôi đã trả lời thành thật với cô rằng nếu giờ làm tiếp đề tài thì chúng tôi chỉ có sản phẩm như dự án báo cáo đợt học phần web nâng cao nên nhóm tôi định bỏ không làm nữa. Các bạn biết không? Trả lời lại những gì tôi trình bày, cô đã khẳng khái rằng, nếu tôi đã đăng ký đề tài thì phải có báo cáo, làm được đến đâu thì báo cáo đến đó. Quả thực, câu nói của cô như lôi tôi ra khỏi vũng bùn, tôi nhận thấy mình đã quá tồi tệ và không hề có trách nhiệm tí nào trong thời gian qua với đề tài nghiên cứu của mình, với chính đề tài mà tôi đã trầy trật như nào mới được phê duyệt. Tôi thấy hổ thẹn và xấu hổ biết bao khi thân mang trọng trách là chủ nhiệm đề tài mà ngoài làm giấy tờ ra tôi chưa làm tròn trách nhiệm code sản phẩm của mình. Một sự thức tỉnh muộn màng của tôi khi chỉ còn vỏn vẹn 3 tháng nữa để tôi lo việc viết báo cáo, tổ chức hội thảo bộ môn, hội nghị nghiệm thu đề tài và hoàn thành những thủ tục giấy tờ bàn giao sản phẩm, thanh toán. Thời gian rất cấp bách vì ngoài những việc cần làm cho hội thảo tôi còn phải chuẩn bị cho thi học kì II, dù biết mình đã lỗi lầm khi lãng phí rất nhiều thời gian trước đây nhưng từ lúc giác ngộ ra, tôi đã có động lực hơn, dù có khó khăn, thời gian bó hẹp nhưng không phải là ta không thể hoàn thành kịp đề tài. Vào thời điểm đó, tôi lao đầu vào vừa học vừa viết báo cáo và chuẩn bị giấy tờ cho hội thảo. Trong lúc cấp bách ấy, tôi nhận tin em trai gặp tai nạn giao thông…Không để mình suy sụp như hồi kì I, tôi đã trong tâm thế sẵn sàng đón nhận tất cả mọi thứ dù tệ hại nhất đến với mình. Thế rồi trong cái rủi cũng có cái may, em tôi dù tông xe nhưng cả hai bên đều không bị quá nặng, đầu xe hơi nát và xây sát nhẹ. Thêm vào đó, việc kì II học quân sự với số tín chỉ lớn nên sau khi dốc sức học xong để lấy chứng chỉ quốc phòng ấy, tôi còn rất ít học phần để hoàn thành, nhờ đó mà tôi có nhiều thời gian nghỉ. Thời gian nghỉ ấy, tôi đã từng đăng kí thử việc ở một cửa hàng bán đồ ăn nhanh nhưng thử 2 ngày thì tôi tôi đã xin nghỉ vì có quá nhiều thứ việc ấp đến không kiểm soát được. Sau đó tôi về nhà, vừa tranh thủ  đưa đón thằng em đi học, vừa ở nhà viết hoàn thành bản báo cáo nghiệm thu ban đầu trước. Em tôi bình phục sau một tuần thì tôi quay lại trường học, chuẩn bị giấy tờ xin tổ chức hội thảo. Tôi chạy vạy mãi, lên xuống nhà điều hành của trường rất nhiều do làm giấy tờ không đúng quy định, xui xẻo nhất là những lúc tôi đi nộp giấy tờ thì toàn vào lúc thầy cô đang đi công tác hoặc bận việc. Do vậy mà mất mấy tuần vẫn chưa xin được chữ ký để làm hội nghị. Kỉ niệm thót tim nhất với tôi là dù chưa xin được giấy nhưng đã liều mời thầy cô để họp hội thảo. Tôi nhớ như in cái ngày 25/04/2024, khi buổi chiều là thời gian tổ chức hội nghị mà buổi sáng tôi còn lang thang đi xin chữ ký từng phòng từ văn phòng khoa KHTN&CN, sang văn phòng KH&QHQT và cuối cùng là văn phòng của lãnh đạo trường. Đã thế sáng hôm ấy nhà trường còn tổ chức họp hội đồng, dù phải đợi đến 11h trưa nhưng tôi nghĩ hôm ấy là ngày đáng nhớ nhất trong tháng ngày làm nghiên cứu khoa học của tôi, tôi đã kịp xin được chữ ký để trả lời cuộc gọi hỏi thăm lo lắng từ cô Như rằng: “Cô ơi, hội nghị vẫn được diễn ra theo thời gian như kế hoạch”, và rồi hôm ấy, tôi đã tổ chức xong được hội thảo sinh hoạt học thuật cấp bộ môn. (Nói một chút về hội thảo thì do chỉ kịp hoàn thành giấy tờ nên nhóm tôi lúc ấy vẫn lấy sản phẩm của đợt học phần web nâng cao để báo cáo. Dẫu sao thì những yêu cầu về giải quyết vấn đề thì sản phẩm ấy đã đáp ứng được, chỉ là nó không được viết theo cả 2 framework Laravel và React JS thôi). Giải quyết được hội nghị sinh hoạt học thuật, tôi đến với thời gian thi học kì II và tổ chức báo cáo nghiệm thu kết thúc đề tài. Lúc này, tôi nhận thấy sản phẩm của mình khá “lỏ”, dù thời gian còn ít nhưng nghĩ đến việc lúc báo cáo với chiếc web như kia thì tôi rất khó để báo cáo, thêm việc cuốn báo cáo ban đầu của tôi lỗi rất nhiều và cần sửa lại. Tôi bị “bí từ” khi không biết nên viết gì lại cho cái báo cáo tốt hơn bởi những gì trong báo cáo toàn là câu từ của đợt tôi viết báo cáo học phần Web nâng cao. Thế rồi ý định “đập đi xây lại” của tôi thoáng chốc hiện lên và cuối cùng tôi đã quyết định dù thời gian còn ít nhưng tôi sẽ vừa ôn chuẩn bị thi vừa làm lại từ đầu. Dựa trên source code web nâng cao mà bạn Trân code chính, tôi tạo lại cơ sở dữ liệu, làm lại các phần cơ bản cho chiếc web. Ở lần làm lại này, tôi đã phân ra được 2 phần: backend dùng Laravel hiển thị giao diện để cho quản trị viên quản lý, còn phần frontend hiển thị giao diện cho người dùng xem sản phẩm mua hàng, sau đó kết nối chúng được với nhau. Ban đầu, tôi không dám hó hé với Trân vì thấy hổ thẹn vì mình chưa làm được gì nhiều cho cái sản phẩm nghiên cứu. Nhưng đến khi tôi bị cuốn vào chuyện thi cử của học kì II trong khi thời gian nghiệm thu thì đến rất gần. Đã thế cái web càng làm tôi càng trở nên bí bách và gặp nhiều lỗi vớ vẩn, tôi e rằng việc đập đi xây lại này không thể giúp web thực thi được nhiệm vụ cần giải quyết. Và rồi, tôi đã nói chuyện với Trân, kể với bạn ấy vấn đề mà tôi đang gặp phải. Dù biết chỉ còn vỏn vẹn 2 tuần cho nhóm tôi chuẩn bị nghiệm thu và việc làm lại web như này rất bất khả thi vì chúng tôi còn đang thi kết thúc học phần nhưng không ngần ngại, không quản khó khăn Trân đã cùng tôi dành thời gian lê lết từ quán cà phê này sang quán cà phê khác, cứ có thời gian là chúng tôi lại hẹn nhau ra quán code, xử lý cho sản phẩm chạy theo bài toán yêu cầu. Tôi nhớ có những ngày chúng tôi ra quán ngồi từ sáng đến chiều mới giải quyết được lỗi phần chức năng đăng ký/đăng nhập, và có những ngày ở quán cà phê từ sáng đến tối mà vẫn không đạt kết quả, phải đến khuya mới sửa xong lỗi. Càng gần ngày tổ chức hội nghị chúng tôi càng phải dành thời gian cho sản phẩm nhiều hơn, có những hôm thức trắng đêm đến sáng thì code chạy được, dù mệt nhưng khi thấy sản phẩm lại chạy thêm được cái gì mới là chúng tôi đều thấy rất vui và có động lực để tiếp tục. Nhà văn Paulo Coelho từng nói:

If you desperately want something, the universe will conspire in helping you achieve it“.
Ảnh báo cáo nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học
Ảnh báo cáo nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học

Câu này có nghĩa là nếu như bạn thật sự mong muốn có điều gì thì vũ trụ sẽ giúp bạn có được nó. Do vậy, nếu như bạn thật sự tin vào một ngày nào đó bạn sẽ thành công, thì bạn sẽ thành công, hãy cứ tin rằng điều đó có thể xảy ra. Quả thực, không phụ công sức của tôi và Trân, chúng tôi đã hoàn thành được sản phẩm. Ngay sau đó, tôi viết lại báo cáo theo code mới và chúng tôi đã tổ chức nghiệm thu sản phẩm. Tôi nhớ như in ngày báo cáo nghiệm thu của mình. Hôm ấy là thứ Hai ngày 17 tháng 06 năm 2024, hội đồng thành lập gồm có 7 thầy cô, trong đó cô Như là Chủ tịch hội đồng, Phó chủ tịch là thầy Đức Thắng, hai thầy cô trong ủy viên phản biện là cô Phượng và thầy Trương Hải, cùng 3 thầy ủy viên hội đồng là thầy Ngọc Thảo, thầy Quốc Cường và thầy Zinna. Ngoài ra, hội nghị diễn ra còn có sự cố vấn, hướng dẫn lớn đến từ cô Đài Trang. Cùng với đó, vì đề tài cũng không đao to búa lớn gì nên tôi chỉ dám mời ít bạn quen, theo đó đồng hành với tôi và Trân có thêm 5 người bạn hỗ trợ nữa là Ánh Nhàn, Trọng Hiếu, Quốc Đông, Hữu Phước và Thanh Tâm. Thật sự, tôi rất cảm kích các thầy cô và các bạn dù bận rộn, thời tiết nóng nực khó chịu nhưng vẫn không quản ngại đường sá xa xôi để đến dự hội nghị tôi. Tuyệt vời hơn nữa khi hội đồng ấy đã diễn ra thành công và được các thầy cô phê duyệt. Mặt khác, tôi biết rằng phần trình bày của mình chưa được tốt và còn vấp váp rất nhiều do tôi đã rất  gấp gáp trong khâu chuẩn bị và không luyện tập thuyết trình trước. Tổng kết lại buổi nghiệm thu hôm ấy, dù kết quả đề tài còn khá là lỏ nhưng đã được duyệt qua vì cũng đã đáp ứng được sản phẩm đề ra theo thuyết minh được duyệt. Sau hôm ấy, tôi chuyển qua giai đoạn cuối cùng của đề tài là hoàn thành các thủ tục bàn giao sản phẩm và thanh toán. Theo tính toán, từ sau ngày 17 tôi chỉ còn một học phần nữa phải thi và còn tận 12 ngày cho việc hoàn thành giấy tờ giao nhận sản phẩm cũng như thanh toán. Nhưng sau khi thi xong học phần cuối cùng, cuộc sống như muốn trêu người thôi thêm một lần nữa. Tôi nghe tin chị gái nhập viện…Gác lại mọi thứ, tôi bắt xe lên đường để xuống chăm chị. Quả thực thời gian ở trong viện ấy người tôi như lửa đốt, một phần vì cái nóng hè 40 độ C ở Sài Gòn, phần lớn là vì lo lắng không kịp hoàn thành giấy tờ nộp trước thời hạn tháng 7. Thế rồi chăm chị được ba hôm, chị cũng ổn hơn nên tôi xin về để lại cho anh chăm sóc. Tiếp đó, tôi tức tốc về lại Đắk Lắk để hoàn thành giấy tờ còn đang dang dở. May mắn thay, trong thời gian làm giấy tờ tôi được sự giúp đỡ rất lớn từ cô Thu Nguyệt ở văn phòng KH&QHQT, sự hỗ trợ của các thầy cô cán bộ khoa KHTN&CN và không thể không nhắc đến cô Thoa ở phòng Tài chính. Tôi nhớ mãi hôm 26/06/2024 sau khi làm tình nguyện viên hỗ trợ các bạn học sinh 2k6 chuẩn bị thi THPT QG, tôi đã quay về trường làm giấy tờ và được về duyệt xong tất cả các giấy tờ. Lúc cô Thoa bảo: “Xong rồi đó em”. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Chiều hôm ấy khi trên đường về trọ, trong người tôi như có sự thay đổi lớn, tôi không thể diễn tả được cảm xúc lúc ấy, tâm hồn như được thanh lọc, một cảm giác nhẹ tựa lông hồng mà đã lâu rồi tôi chưa có….Thật là cảm giác!😁

Những gì còn đọng lại sau chuyện nghiên cứu khoa học

Quả thật, hành trình 12 tháng trải dài từ năm 2023-2024 gắn với chuỗi tháng ngày tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên cấp cơ sở thật kì diệu trong “tôi”. Nó là hành trình mà đã cho tôi rất nhiều trạng thái cảm xúc từ tò mò, bỡ ngỡ đến chán nản, phó mặc sự  đời và rồi lại quyết tâm, chiến đấu đến cùng, là hành trình mà trải qua rất nhiều biến cố trắc trở. Tôi không biết người bạn đồng hành với tôi – Huyền Trân đã trải qua tất cả những gì nhưng tôi đoán chắc là bạn ấy cũng đã có một hành trình nhiều kỉ niệm nhiều, cảm xúc đáng nhớ như tôi. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến Trân, cảm ơn vì vì đã kiên trì đồng hành cùng tôi đến cuối cùng, cũng như gửi lời tri ân tới thầy cô, bạn bè và gia đình, những người đã góp phần làm nên một phần thanh xuân tươi đẹp của tôi. Điều lớn nhất tôi cảm nhận sau tất cả chính là lòng biết ơn sâu sắc và sự cảm kích.
Nhìn lại hành trình đã qua, tôi đã viết câu chuyện nghiên cứu khoa học của mình dài như một cuốn nhật ký. Lưu ý, tôi viết ra không để kể khổ, không để than trách những sóng gió cuộc đời đến với mình như thế nào, tôi viết câu chuyện lại và chia sẻ trên blog nhằm ghi lại một kỉ niệm mà tôi không thể nào quên được của thời thanh xuân và qua câu chuyện thật của mình, hi vọng các bạn có thể rút ra được những bài học cho bản thân để không phạm vào sai lầm như tôi khi tham gia nghiên cứu khoa học. Còn bàn về những kinh nghiệm cụ thể và lời khuyên cụ thể rút ra từ hành trình nghiên cứu của mình thì tôi sẽ viết nó cụ thể hơn ở Phần 2 nhé. Tôi sẽ dừng bút kết thúc phần 1 – Những lời nói mình muốn gửi gắm và câu chuyện tham gia nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Tây Nguyên tại đây.
 

Don’t get older. I level up.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *